Tiểu sử Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1915 – 2005)
Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch – Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn, sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Mão – 1915 tại phố Hội Bình, tỉnh Yên Bái (nay là phường Hồng Hà – thành phố Yên Bái – tỉnh Yên Bái).
I- THÂN THẾ
Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch – Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn, sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Mão – 1915 tại phố Hội Bình, tỉnh Yên Bái (nay là phường Hồng Hà – thành phố Yên Bái – tỉnh Yên Bái). Nguyên quán tại làng Định Công – huyện Thanh Trì – Hà Nội; sinh trưởng trong một gia đình trí thức Nho giáo, làm nghề thủ công mỹ nghệ, thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Văn, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Cúc. Ngài là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 4 tuổi, thân phụ qua đời và sau đó 10 năm thân mẫu cũng tạ thế.
Với tuổi đời 14, sau khi đã học xong cấp tiểu học đương thời, Ngài tiếp tục vừa học chữ vừa học nghề dưới sự dạy dỗ, đùm bọc, thương yêu của người anh là nhà giáo Nguyễn Văn Kính. Song do sẵn có thiện duyên từ bao đời với Phật pháp, nên trong thời kỳ đi học Ngài có xu hướng thiên về học Đạo nhiều hơn. Với tấm lòng đầy ngưỡng mộ đạo Phật và ý chí quyết tâm của tuổi 16, Ngài đã âm thầm, lặng lẽ từ biệt gia đình tìm đường xuất gia cầu đạo.
II. NHÂN DUYÊN DIỆN KIẾN CHƯ TỔ CẦU XUẤT GIA
Từ những năm đầu thập niên 1920 – 1930, phong trào Chấn hưng Phật giáo làm sống dậy tinh thần học Phật, tin Phật và tu Phật của hàng triệu Phật tử Việt Nam vốn tiềm ẩn như bừng lên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
Danh đức của Tổ Vĩnh Nghiêm – Thiền gia Pháp chủ ( Đức Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh) đã tác động mạnh, thôi thúc người thanh niên lứa tuổi đôi mươi Nguyễn Đình Khuê đến chiêm bái Tổ đình Quán Sứ, đỉnh lễ Tam bảo, bái kiến Đức Tổ Vĩnh Nghiêm.
Duyên phúc căn xưa vốn thẳm sâu
Một lời pháp ngữ tự quay đầu
Bồ Đề tính Phật nay tươi nhuận
Nối gót thiền gia-Đạo nhiệm mầu.
Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, được Đức Tổ giáo huấn đôi điều diệu lý, tâm thức tỏ rạng, Ngài quyết một lòng thỉnh cầu Đức Tổ chứng minh cho được xuất gia làm Tăng, Tổ nhận lời, giao cho Hòa thượng Thích Thái Hòa đưa về tỉnh Hà Nam, đỉnh lễ Đệ tứ Tổ Tế Xuyên Bảo Khám ( Đại lão Hòa thượng Thích Doãn Hài) và được Hòa thượng Thiện Bản – trụ trì chùa Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam làm thầy nghiệp sư thế phát, quy y.
III- NHỮNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH, TIẾN TU ĐẠO NGHIỆP
Tại Tổ đình Tế Xuyên, hạt giống Bồ đề từ nhiều đời nơi Hòa thượng như được ươm mầm nẩy lộc đâm chồi. Đời sống thiền môn, thanh bần lạc đạo, viễn ly trần thế, tịch nhàn phạm hạnh đã trở thành nếp quen thường nhật. Hàng ngày lúc còn là giới tử tân học, Ngài một lòng cần mẫn chấp tác phụng sự Sư trưởng, đồng thời rất mực siêng năng công quả trang nghiêm Tam bảo. Năm 1936, tuổi đời vừa tròn 21, Ngài được thụ Thập giới Sa di do Hòa thượng Thích Doãn Hài làm Đàn đầu Hòa thượng tại Tổ đình Tế Xuyên. Sau thời gian tiến tu đạo hạnh, Ngài được Hòa thượng nghiệp sư cho đi nhập chúng cầu học Kinh, Luật, Luận với Tổ Tuệ Tạng – Đức Thượng thủ Tăng già toàn quốc tại chùa Quán Sứ, khởi đầu cho một thời kỳ dài tu tập, hóa đạo trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Năm 1939, chùa Quán Sứ khai mở Đại giới đàn do Hòa thượng Thích Thanh Ất (Tổ Trung Hậu) làm Đàn đầu. Đây là giới đàn quy mô nhất của Phật giáo Bắc Kỳ bấy giờ. Giới tử phải nhập chúng lễ sám hối 21 ngày, sau đó trải qua thời kỳ khảo hạch để xếp thứ tự, Ngài được cử đứng đầu hàng giới tử Sa di cầu thụ Cụ túc giới. Với 25 tuổi đời, Ngài chính thức được dự vào hàng Tăng bảo. Từ đó, Ngài được thiện duyên theo hầu Tổ Tuệ Tạng và tham học Phật pháp tại các trường Phật học: Quán Sứ, Bồ Đề, Cao Phong… Trong học chúng và các khóa hạ bấy giờ, Ngài luôn được cử giữ chức Chánh Duy Na, nêu gương và hộ trì kỷ cương giới đức phạm hạnh cho đại chúng Tăng già noi gương lập chí tu hành.
IV- GIỚI ĐỨC KIÊM ƯU – HOẰNG HÓA ĐỘ SINH
1. Truyền trì mạng mạch Phật pháp
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ tát bổn sự, Đức Phật dạy: “Thị chân tinh tiến, thị danh chân pháp cúng dàng Như Lai”. Sau 14 năm cần mẫn tu học, hành trì phạm hạnh, tích lũy tâm đức của một Tỷ khiêu, Ngài được chư tôn đức đương thời thỉnh làm Giới sư rồi làm Hòa thượng Đàn đầu… truyền trao giới pháp cho các thế hệ hậu học tại các Đại giới đàn như sau:
– Đại giới đàn chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1953;
– Đại giới đàn chùa Tế Xuyên, tỉnh Hà Nam năm 1955;
– Đại giới đàn chùa Phật Ấn, thị xã Hà Đông- Hà Tây, năm 1957;
– Đại giới đàn chùa Thần Quang, Hà Nội năm 1959;
– Đại giới đàn chùa Bà Đá, Hà Nội năm 1976;
– Đại giới đàn chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1978.
– Từ năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội được thành lập đến năm 2001, mỗi năm sau ngày kết hạ an cư, Thành hội Phật giáo Hà Nội đều tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni. Tất cả những Đại giới đàn này, Thành hội Phật giáo Hà Nội đều cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, truyền trao giới pháp cho các giới tử. Ngoài cương vị là thầy Hòa thượng các giới đàn, Ngài đã truyền thụ Tam quy, Ngũ giới, Bồ tát giới cho hàng ngàn Phật tử thủ đô và các tỉnh, thành khác.
2. Công đức kế thế trụ trì – tiếp độ chúng sinh:
Với đạo nghiệp sâu dày “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ đã từng được sơn môn, pháp phái thỉnh cử và Giáo hội Trung ương chỉ định trụ trì các chốn Tổ già lam như:
– Năm 1958, Đức Thượng thủ Tuệ Tạng chỉ định Ngài làm giám tự Tùng Lâm Quán Sứ.
– Năm 1962, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Bản (Tổ Cao Đà) viên tịch, Ngài được chư tôn đức sơn môn giao phó trọng trách trụ trì chùa Cao Đà – xã Nhân Mỹ – huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – khởi đầu sự nghiệp trụ trì, hoằng hóa độ sinh.
– Năm 1979, Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch, sơn môn thỉnh Ngài giữ chức vụ trụ trì Tổ đình Bồ Đề (Thiên Sơn cổ tích tự) – xã Bồ Đề- huyện Gia Lâm (nay là phường Bồ Đề – quận Long Biên) – Hà Nội.
– Năm 1981, sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ định Ngài giữ chức Chánh trụ trì Tùng Lâm Quán Sứ – Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam – đây là một khẳng định về phẩm hạnh đạo đức và nhân duyên đặc biệt về công đức “Nội hàm chúng diệu, ngoại ứng huyền cơ” của bậc chân tăng thạc đức nơi Ngài.
– Năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban, trưởng sơn môn viên tịch, Ngài nhận lãnh trách nhiệm Viện chủ Tổ đình Tế Xuyên Bảo Khám, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
3. Những trọng trách đối với Đạo pháp và Dân tộc:
Với sứ mạng thiêng liêng của Tăng già “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ đã thực hiện trách nhiệm Phật sự liên tục từ khi tuổi đời còn trung niên cho đến cao niên trưởng lão; chẳng những kham nhẫn các trọng trách trong Đạo mà còn cho Dân tộc và xã hội:
– Năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, Ngài được suy cử làm Uỷ viên Trung ương hội, đồng thời làm Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (từ năm 1958-1980).
– Năm 1972, là Uỷ viên Ban nghi lễ Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
– Từ năm 1976 đến 1981, là Uỷ viên Thường trực Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
– Năm 1984, Đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên chỉ Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng năm này, với uy tín, đạo hạnh, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã cung thỉnh Ngài làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự cho đến tháng 9 năm 2002.
– Tháng 11 năm 1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 1992-1997), Hòa thượng được Đại hội suy tôn làm Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Tháng 11 năm 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997-2002) cũng như Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2002-2007), toàn thể Đại hội đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ vững “thạch trụ tùng lâm”, xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo, dù ở cương vị nào, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ luôn luôn thể hiện tâm đức của người con Phật “xuất trần thượng sĩ”, hành trì Giới – Định – Tuệ, chú tâm tỉnh giác, thu nhiếp tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý… phụng sự trang nghiêm Tam bảo. Thường nhật, Ngài rất ít nói, nếu phải nói thì Ngài cũng chỉ nói ít lời về những công việc cần làm. Ngài luôn kiên định, thầm lặng suy tư tìm những phương pháp thích nghi, góp ý chỉ đạo, khuyến tấn tứ chúng thực hiện những định hướng của Giáo hội đã vạch ra để phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc”. Ngài thường nói với tín đồ Phật tử rằng “mọi việc chúng ta làm là đều nhằm góp phần làm cho Phật pháp ngày thêm ngời sáng, tỏ rạng viên minh; đồng thời điểm tô tấm gương đại từ đại bi của Đức Phật ngày càng tươi đẹp hơn trong tâm trí và cuộc sống nhân sinh”.
Trân trọng những công đức cao quý Ngài đã đóng góp cho Đạo, cho Đời, Nhà nước đã trao tặng Ngài Huân chương Độc lập hạng Nhất; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp Xây dựng Thủ đô cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các ban ngành Trung ương và thành phố.
V- NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI CÙNG
Sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không hay sinh già bệnh chết vốn là quy luật muôn đời của các pháp hữu vi. Thông thường, sự chuyển dịch vô thường của bốn núi “Sinh, già, bệnh, chết” dễ chi phối, hoành hành tâm trạng phàm phu của con người. Trái lại, tinh thần nhiếp phục tự thân, biết an trú chính mình, liễu ngộ được thân ngũ uẩn này “sinh ký tử uy”… chính là năng lực tinh thần, tinh tiến của các bậc đạo sư, các bậc cao tăng thạc đức.
Những năm tháng sau cùng của Đức Pháp chủ đã chứng minh phạm hạnh và công đức tu trì của Ngài mỗi lúc một tăng trưởng kiên định thẩm sâu. Mặc dù từ cuối năm 2001 đến nay, thân tứ đại của Ngài luôn có bệnh duyên chi phối; nhưng khi bệnh duyên càng tăng thì Ngài cũng tăng sức an trú nhiếp phục, càng an trú nhiếp phục, hành trạng Ngài càng trở nên bình dị an nhiên vắng lặng. Mỗi ngày, Ngài vẫn thường tịnh tam nghiệp, tay lần chuỗi bồ đề niệm Phật, giữ chính niệm chú tâm tỉnh giác trước sự mòn mỏi của huyễn thân tứ đại.
Thời khắc thiêng liêng tương hội, công đức hóa duyên viên mãn, Đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thu thần thị tịch vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 6 tháng 3 năm 2005 (nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Ất Dậu), trụ thế 91 năm, trải qua 66 mùa an cư kết hạ, để lại trong lòng môn đồ tứ chúng, Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước niềm kính thương vô hạn.
Tấm gương trong sáng, hiền đức uy nghi nơi Ngài mãi mãi hằng hữu trên trang sử vàng Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
(Sưu tầm)