background

Khát vọng “quốc thái dân an” qua những cột đá kinh

icon

(PLVN) – Theo các nghiên cứu, thạch kinh lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 971 do vua Tống cho khắc kinh Địa Tạng lên cột đá để cúng dường. Chỉ 2 năm sau đó, năm 973, tại Việt Nam, vua Đinh Liễn cho dựng 100 bảo tràng kinh (100 cột kinh khắc trên đá) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Trong đó cột đá kinh chùa Nhất Trụ được xác định là bảo vật quốc gia…

Ngay khi “nhập gia”, Phật giáo đã hòa vào dòng chảy các tín ngưỡng dân gian nên có một sức sống lâu bền và luôn đồng hành cũng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp của Phật giáo giai đoạn đầu kỷ nguyên độc lập, trải các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Thạch kinh xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 971 do Vua Tống cho khắc kinh Địa Tạng lên cột đá để cúng dường. Chỉ 2 năm sau đó, năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn (Đinh Khuông Liễn) cho dựng 100 bảo tràng kinh (100 cột kinh khắc trên đá) tại kinh đô Hoa Lư. Cột kinh bằng đá, hình bát giác, cao từ 50 đến 80 cm, mỗi cạnh bát giác rộng từ 6cm đến 10,5cm.
Trên các Tràng kinh bằng đá đó khắc Bài thần chú “Phật đảnh Tôn thắng Đà La Ni”. Và theo cố GS. Hà Văn Tấn, trong bài kệ ở thạch kinh chùa Nhất Trụ có khắc những câu: “… Chư thiên thường văn phạn ngữ thanh/ Văn niệm Phật Đỉnh Đà La Ni/ Tắc đắc cụ túc trai giới”. Những cổ tự Nhất Trụ cho ta biết việc tụng niệm Đà La Ni khá phổ biến dưới triều Tiền Lê (vua Lê Đại Hành). Qua hàng chục thạch kinh được phát hiện thì trên đó (dù không còn nguyên vẹn) đều có đoạn minh văn giống nhau đó là đều khắc bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni.
Việc tạo hàng loạt cột kinh khắc Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni ở Hoa Lư có liên hệ với tín ngưỡng kinh tràng Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni trong Mật giáo. Theo truyền thống Mật giáo, Phật Đỉnh Tôn Thắng là một trong 5 Phật đỉnh của viện Thích Ca thuộc Thai Tạng Giới Mạn Đà La có tên là Trừ Chướng Phật Đỉnh. Biểu thị cho Đỉnh Thần Thông không có chỗ sợ hãi của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Tôn này có công năng nhiếp phục, làm tiêu trừ mọi nghiệp cấu của tất cả chúng sinh và khiến cho chúng trở thành thanh tịnh.
Trong 5 Phật Đỉnh hoá hiện từ đỉnh kế của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thì Phật Đỉnh này là thù thắng nhất cho nên hệ Mật giáo dùng Phật Đỉnh Tôn Thắng làm Bản tôn cho pháp tu trì về tức tai, trị bệnh… và xưng là Tôn Thắng Pháp. Trong hầu hết các bản ghi chép như các tập “Mật tạng Phật giáo Việt Nam” do Thượng tọa Thích Quảng Trí biên dịch, đều công nhận là nếu có người được nghe Tôn Thắng Pháp, thì các nghiệp chướng bệnh hoạn khổ não thảy đều được tiêu trừ, được quả báo lành…
Nếu tu trì thân khẩu ý trong sạch, tâm thường vui vẻ. Người trì tụng, các tội địa ngục, súc sanh và các ngã quỷ thảy đều tiêu sạch. Nếu cầu cho người đã chết được siêu độ thì trì tụng Đà La Ni này 21 biến vào một nắm đất hoặc cát sạch rồi rải lên thi hài hoặc nấm mồ thì người ấy nhất định siêu thoát… Trong Tôn Thắng Đà La Ni kinh viết: Người chép viết tu tập thọ trì cúng dường Đà La Ni nên biết nơi đó các địa ngục, ác thú, tội chướng thảy đều thanh tịnh.
Việc chép Đà La Ni này an trí trên các ngọn phướn, trên cây, trên núi cao hoặc trên lầu các, chỗ cao hoặc trong phù đồ, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiện nam tử, Thiện nữ nhân… được thấy phướn gần gũi, hoặc hình bóng ngã vào gió thổi qua phướn, cái bụi dính vào thân đều tiêu trừ các tội chướng, không còn bị đoạ vào địa ngục, súc sanh, Diêm ma lô ca, ngạ quỷ…
Ngoài ra, trong Nghi quỹ (Bài chú về những phép tu thiền – PV) và Kinh điển còn ghi rất nhiều công năng của Pháp tu Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni như: cầu mưa, trừ lũ lụt, trừ tai nạn, cầu tài lộc, trị bệnh tật… Vì vậy, theo GS Hà Văn Tấn, thời kỳ này đã xuất hiện tín ngưỡng Tôn thắng kinh tràng, tức các cột kinh khắc bài Đà La Ni Phật đỉnh Tôn thắng.
Vấn đề này đã được chứng minh qua việc phát hiện hàng chục trong số hàng trăm Thạch kinh do Đinh Liễn cho dựng để cầu cho người em là Đính Noa Tăng Noa đã bị Khuông Liễn giết đồng thời cầu phúc cho Đinh Tiên Hoàng mãi mãi trấn giữ trời Nam và Khuông Liễn mãi giữ được lộc vị. Chính vì vậy, có thể dễ dàng hiểu rằng tại sao vua Lê Đại Hành lại cho khắc bài kinh này trên cột đá để truyền lại ngàn đời sau. Thể hiện mong muốn cầu quốc thái, dân an, triều đình vững mạnh, thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp.

Leave a Reply